Việt Nam đang tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, cùng với việc nỗ lực tham gia các công ước quốc tế, cũng như tích cực nội luật hoá các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ môi trường hiệu quả hơn trước yêu cầu của phát triển bền vững.
1. Khái quát pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường biển
Hiện nay, môi trường biển nước ta đang bị suy thoái và ô nhiễm nặng nên việc bảo tồn và phát huy tài nguyên, bảo vệ môi trường biển có ý nghĩa quyết định, đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng điều chỉnh hoạt động bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo vệ môi trường biển cụ thể như: Hiến pháp năm 2013 đạo luật cơ bản xác định các nguyên tắc hiến định về bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển, một số đạo luật điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ môi trường biển, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật tài nguyên nước năm 2012, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Bộ luật Hàng hải năm 2015 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015…
Luật Bảo vệ môi trường có vai trò như đạo luật khung, xác định các nguyên tắc chung bảo vệ môi trường biển, một thành tố của môi trường Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc phát triển bền vững trong bảo vệ môi trường. Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này đã tiếp cận các quan điểm hiện đại trong quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật biển thông qua hệ thống các quy định về phương thức quản lý tổng hợp trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển nói riêng, môi trường biển nói chung cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
2. Nguyên tắc bảo vệ môi trường biển
Thứ nhất, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành,được quy định tại khoản 2 điều 4 Luật bảo vệ môi trường và điều 43 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Thứ hai, bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức hay cơ quan tổ chức nước ngoài có các hoạt động liên quan đến sử dụng tài nguyên và các thành phần khác của môi trường biển Việt Nam. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại: Điều 43 Hiến pháp năm 2013, điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014), và được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Biển Việt Nam năm 2012, điều 6 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Thứ ba, Nhà nước xây dựng những chính sách bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bên cạnh đó chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu. Nguyên tắc này được quy định tại: Điều 63 của Hiến pháp năm 2013, điều 5 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định chính sách quản lý và bảo vệ biển, điều 4 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Thứ tư, phát triển bền vững môi trường biển, đây là nguyên tắc nền tảng trong bảo vệ môi trường biển được quy định cụ thể tại: Điều 3 khoản 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, khoản 2 điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Cuối cùng, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, điều 5 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc này như một phương pháp tiếp cận hữu hiệu để quản lý bền vững tài nguyên biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
3. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển
Các quy định trực tiếp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được qy định tại điều 50 Luật bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014, kiểm soát ô nhiễm trường biển bao gồm: “Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và đảo phải được thống kê, phân loại, đánh giá và có giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dẫn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Luật bảo vệ môi trường đã xác định 3 loại nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển cần phải kiểm soát: Chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo sẽ được kiểm soát bằng việc thống kê, phân loại, đánh giá nhằm đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trưởng trước khi thải ra biển. Dầu, mỡ, dung dịch khoan, nước dẫn tàu, hóa chất và các chất độc hại khác được sử dụng trong các hoạt động trên biển và hải đảo sau khi sử dụng phải được kiểm soát từ khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải được kiểm soát dựa trên đặc điểm, tính chất của loại chất thải. Đây là điểm mới của Luật bảo vệ môi trường năm 2005, tại khoản 4 Điều 57 đã quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổi chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định cho phép hoạt động nhận chìm trong vùng biển Việt Nam tại khoản 3, điều 50 “Việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đào phải căn cử vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Mặc dù vậy , quy định này chỉ mang tính quy định khung, không có quy định chi tiết và Luật cũng không giao cho cơ quan nào hướng dẫn chi tiết dung này, do vậy, quy định không thể triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển còn phải đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế về biển và hải đảo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Các quy định này cũng được lồng ghép với các quy định tại Bộ luật hàng hải 2005 và Bộ luật hàng hải 2015 với bốn nội dung cơ bản: Các quy định của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đối với tàu biển và thuyền viên. Quy định của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi nhiễm môi tường biển trong các hoạt động cảng biển. Quy dịnh pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong các hoạt động giao thông trên biển. Quy định của pháp luật về phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường trong hoạt động hàng hải.
4. Tổ chức phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển
Do mức độ nghiêm trọng của sự cố môi trường trên biển, nên ngoài Mục 3, Chương 10 điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói chung, Luật Bảo vệ môi trường tiếp tục giành điều 51 để quy định về Tổ chức phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên biển với các nội dung cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chủ phương tiện vận chuyển xăng, dầu, hoá chất, chất phóng xạ và các chất độc hại khác trên biển phải có kế hoạch, nhân lực, trang thiết bị bảo đảm phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc gia, lực lượng cảnh sát biển phải được đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện, thiết bị bảo đảm ứng phó sự cố môi trường trên biển.
Chủ phương tiện vận tải, kho lưu giữ hàng hoá trên biển có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải có hình thức thông báo cho các lực lượng và tổ chức, cá nhân liên quan khác được biết và có phương án phòng tránh sự cố môi trường.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ven biển trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, cảnh báo, thông báo kịp thời về tai biến thiên nhiên, sự cố môi trường trên biển và tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.
Tóm lại, Việt Nam đã có hệ thống chính sách và pháp luật tương đối toàn diện về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng. Tuy nhiên, các hệ thống pháp lý này vẫn luôn cần phải được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung đề phù hợp với thực tiễn.
5. Thực trạng thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường biển
Vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta đã nhận được sự quan tâm từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 và đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 được ban hành. Bên cạnh luật bảo vệ môi trường thì nước ta cũng ban hành văn bản pháp luật chung và chuyên ngành về bảo vệ môi trường biển cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật Dầu khí năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 và 2008), Luật Thủy sản năm 2003, Bộ luật Hàng hải năm 2015 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015…
Nhìn chung, hệ thống pháp luật về môi trường biển ở nước ta đã phát triển cả nội dung và hình thức, điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Tính đến nay, nước ta đã tham gia 14 công ước, hiệp định quốc tế về môi trường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường biển còn nhiều bất cập và hạn chế cụ thể như: Chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các quy định về phát triển kinh tế với các quy định về bảo vệ môi trường biển. các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường biển tương đối đầy đủ cả về mặt nội dung và hình thức nhưng chưa có một cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc kiểm soát các hoạt động tác động vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, Các chế tài chưa thích hợp và chưa đủ mạnh để trừng trị và răn đe những hành vi vi phạm.