Montesquieu dành phần lớn công trình tinh thần pháp luật để bàn về luật chính trị và luật dân sự, trong đó nổi bật lên phát kiến về quan hệ giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà người đương thời đều công nhận ông là Nhà khai sang đầu tiên xây dựng quan điểm tam quyền phân lập.
1. Bàn về quan hệ giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp
Montesquieu dành phần lớn công trình tinh thần pháp luật để bàn về luật chính trị và luật dân sự, trong đó nổi bật lên phát kiến về quan hệ giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà người đương thời đều công nhận ông là Nhà khai sang đầu tiên xây dựng quan điểm tam quyền phân lập
Tìm hiểu vấn đề này, chúng ta nên nghiên cứu kỹ quyển XI: “các luật tạo ra tự do chính trị trong quan hệ với hiến pháp”
Các quyền này được phân lập và phụ thuộc vào nhau để ảnh hưởng sao cho không một quyền nào có thể vượt quá hai quyền còn lại và ba quyền này được giao cho ba cơ quan khác nhau nắm giữ. Đây là quan điểm cấp tiến vì đã hoàn toàn loại bỏ ba đẳng cấp thời bấy giờ là tăng lữ, quý tộc và những người dân còn lại được gọi là Đẳng cấp thứ ba, tức là đã loại bỏ tàn tích của chế độ phong kiến.
Nếu trong Bàn về chính quyền, Cicero đặt nền móng cho tam quyền phân lập và nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” thì tinh thần này được Montesquieu cụ thể hóa trong Bàn về tinh thần pháp luật. “Tự do chính trị của công dân là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an ninh. Muốn bảo đảm tự do chính trị như vậy thì chính phủ phải làm thế nào để một công dân này không phải sợ một công dân khác” (Montesquieu, p.92). Chính vì vậy mà tam quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách biệt kiểm soát lẫn nhau. Khi hai quyền hoặc thậm chí ba quyền trên tập trung vào tay một người thì “tất cả sẽ mất hết” (Montesquieu, p.93). Ông đi vào chi tiết từng cơ quan đảm nhiệm những vai trò trên và cách thức triển khai nó.
Mở đầu, tác giả bàn về hai chữ “tự do”: “Không có một tự nào lại có nhiều cách định nghĩa như từ Tự do (…). Người ta định nghĩa nó theo cách suy nghĩ và mong muốn riêng, nói chung họ gán tự do cho chính thể của nước mình mà chê bai chính thể của nước khác (…) Mọi người gọi Tự do là chính thể phù hợp với tập quán và khuynh hướng của mình”
Montesquieu xác định rằng chỉ ở nước Cộng hoà mới có tự do thật sự. Ở đây luật pháp nói nhiều mà người cầm quyền thì nói ít, và người ta đồng nhất khái niệm Quyền của nhân dân với Tự do của nhân dân. Ông viết: Tự do chính trị tuyệt đối không phải muốn làm gì thì làm. Ciceron (106-43tr.CN) định nghĩa: “ Tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm và không bị ép buộc làm những điều không nên làm”, và Montesquieu bình luận thêm “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật pháp cho phép làm” (…).
Theo ông, một hiến pháp tốt là hiến pháp bảo đảm được tự do chính trị. Trong bất cứ quốc gia nào cũng đều có 3 thứ quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nếu mối quan hệ giữa ba thứ quyền đó là chính xác thì chính thể mới có tự do. Trái lại, những trường hợp sau đây làm mất tinh thần tự do:
- Nếu quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão thì sẽ không có gì là tự do nữa
- Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền hành pháp và lập pháp
- Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp.
- Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm hết cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ đều mất hết. “Hãy xem: nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành pháp luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm của họ. Nếu họ còn nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của họ”
Ông đi vào chi tiết vai trò của từng cơ quan và cách thức triển khai nó.
2. Bàn về quyền tư pháp
Montesquieu mong muốn sao cho người dân chỉ biết sợ cơ chế cai trị mà không sợ các ông quan. Như thế thì người bị cáo phải được tự mình chọn luật sư hoặc từ chối luật sư do toà án chỉ định mà bị cáo không thích. Trước toà, người thẩm phán cũng chỉ ngang địa vị như người bị cáo thì xét xử mới thật công minh.
3. Bàn về quyền lập pháp
Montesquieu yêu cầu mỗi công dân đều được bỏ phiếu cử ra đại biểu của địa phương mình để tham gia vào nghị việc quốc gia. Các đại biểu thay mặt cho một tập đoàn dân chúng phải báo cáo lại công việc đã bàn với các cử tri đã bầu ra mình. Nghị viện là cơ quan đại biểu dân chúng, không nên giải quyết các vụ việc cụ thể của quốc gia mà chỉ nên làm ra luật và xem xét người ta thực hiện luật như thế nào.
Tuy vậy Montesquieu chủ trương bên cạnh nghị viện dân chúng nên có nghị viện quý tộc. Ông biện minh cho chủ trương này như sau: trong một nước luôn luôn có những người nổi bật lên vì dòng giống, vì của cải, hoặc vì danh vọng của họ. Nếu họ cũng chỉ dùng được một lá phiếu như công dân thường thì tự do chung sẽ là điều nô lệ đối với họ, vì có thể phần lớn các quyết nghị chung chỉ phản ánh quyền lợi nguyện vọng của dân chúng chứ không phải của họ, có khi còn chống lại họ; cho nên họ sẽ không tha thiết gì bảo vệ tự do chung của dân chúng. Với lý do trên, Montesquieu chủ trương những người quý tộc tham gia công cuộc lập pháp nên có được một tỷ lệ cao tương ứng với vị thể ưu việt mà họ có trong quốc gia. Họ sẽ họp thành một cơ cấu riêng, tức nghị viện quý tộc. Cơ cấu này được quyền đình chỉ các dự định của họ. Nghị viện quý tộc chỉ được tham gia công việc lập pháp với chức năng ngăn cản chứ không có chức năng quy định.
Quan điểm trên đây được các nước thuộc hệ tư bản chủ nghĩa thực hiện một cách phổ biến
Ở đây, Montesquieu quan niệm về tự do và bình đẳng có sự khác nhau: bình đẳng là tĩnh, có khunh hướng dẫn tới dộc tài của đa số. Tự do là động, kích thích tài năng, dẫn tới khuynh hướng vô chính phủ, cho nên phải dung hoà hai điều này.
4. Bàn về quyền hành pháp
Montesquieu cho rằng quyền hành pháp phải nằm trong tay một vị vua chúa. Do hạn chế lịch sử ông chưa hình dung được một nhà nước không có vua. Tuy vậy ông đã giải thích đúng: “Quyền hành pháp luôn luôn cần đến một hành động nhất thời, để cho một người nắm thì hơn là nhiều người nắm. Nó khác với quyền lập pháp, do nhiều người bàn thì hơn là một người”
Cơ quan hành pháp là nơi chấp hành luật do cơ quan lập pháp ban hành nhưng nó lại có quyền ngăn cản các dự định của cơ quan lập pháp. Kỳ hạn họp cơ quan lập pháp là do cơ quan hành pháp quy định. Quân đội không thể trao cho cơ quan lập pháp mà phải trao cho cơ quan hành pháp quản lý. Nhưng để cho người hành pháp không thể dùng quân đội đàn áp dân chúng thì quân đội phải mang tính chất nhân dân, đồng lòng với dân như thời Marius(người sáng lập ra quân đội nhà nghề, được tái cử tới 7 lần) ở Rome xưa
Cuối quyển XI, Montesquieu kết luận: “Một nhà nước có thể biến đổi bằng hai cách: hoặc là hiến pháp tự điều chỉnh, hoặc là chính thể tự huỷ hoại, vấn đề là phải giữ được nguyên tắc. Nếu nguyên tắc đã bị thủ tiêu thì hiến pháp có thay đổi gì đi nữa vẫn có thể coi là chính thể tự huỷ hoại”
5. Bàn về quyền tự do của nhân dân
Quyền tự do của nhân dân được đề cập trong Quyển XII: “Các luật tạo ra tự do chính trị trong môí quan hệ với công dân”
Trong quan hệ với hiến pháp thì tự do chính trị bao gồm trong sự phân phối 3 quyền lực nhưng trong quan hệ với công dân thì tự do chính trị phải được xem xét dưới một ý nghĩa khác tức là về mặt an ninh hay trong quan niệm về an ninh
Có khi Hiến pháp thì tự do đấy, nhưng công dân thì chẳng tự do tí nào, có khi công dân tự do mà Hiến pháp lại không tự do. Trong các trường hợp ấy, Hiến pháp chỉ tự do về phương diện pháp luật chứ không tự do trong thực tế, còn công dân thì tự do trong thực tế chứ không tự do trên phương diện pháp luật
Ông viết: “ Khi người công dân vô tội không được bảo đảm an ninh thì tự do không còn nữa (…). Ở các nước có pháp luật tốt ngày xưa, người công dân ra trước toà, dù cho ngày mai bị treo cổ, ngày hôm đó anh ta vẫn còn tự do hơn là người quan toà ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Tự do, với ý nghĩa triết học là sự thể hiện ý chí của mình, hoặc ít ra là được nói lên quan niệm về thực hiện ý chí ấy”
“Tự do chính trị bao hàm trong sự an ninh hoặc ít ra là trong quan niệm về sự an ninh
Montesquieu còn bàn thảo thấu triệt về “tội chống vua” (chương 7, Quyển XII). Theo đó, Luật Trung Hoa quy định tội bất kính với vua thì phải tử hình. Nhưng luật không định nghĩa thể nào là bất kính nên điều gì cũng có thể xảy ra. Điều này cho thấy xét xử dựa trên những điều mơ hồ, không rõ ràng sẽ làm cho chính thể trở thành chuyên chế.
– Về chuyện ý nghĩ: Nguời cận thần Masyas kể lại câu chuyện anh ta thấy mình giết vua. Lập tức vua Denis (Italia, 405-367tr.CN) hạ lệnh xử tử hình Marsyas với lý do: “Điều nó chiêm bao ban đêm là cái nó nghĩ ra ban ngày”. Đây là một chuyện độc đoán tệ hại: luật bao giờ cũng chỉ là trừng phạt hành động đã thể hiện ra, chứ không được trừng phạt ý nghĩ.
– Cũng không thể lấy lời nói làm cái cớ để khép người công dân vào trọng tội, vì các lời nói chỉ là mục tiêu cho người đời bình luận. Một câu bép xép khác xa với mưu đồ làm hại. Cho nên, “ở đâu mà xử tội công dân chỉ căn cứ trên lời nói thì ở đó không còn tự do nữa”
– Tuy vậy, trong trường hợp lời nói gắn liền với hành động, như diễn thuyết trên quảng trường kêu gọi dân chúng nổi loạn thì có thể xử tội chống vua. Nhưng đây là xử phạt hành động chống vua thê hiện bằng lời nói, chứ không phải xử phạt vì lời nói.
– Cũng không thể buộc tội người vì chuyện văn chương, nếu văn chương ấy không chuẩn bị để làm nên việc chống đối. Montesquieu nhận xét, ở các nước chuyên chế rất hiếm thấy văn chương châm biếm, vì người ta sợ bị trị tội. Ở các nước dân chủ, văn thơ châm biếm bị cảnh sát theo dõi chứ không bị kết tội. Chính thể quý tộc là nơi đầy ải văn thơ trào phúng, vì các nhà quý tộc là những ông vua con, không đủ tầm quảng đại để coi thường văn thơ trào phúng. Chỉ trong các nước dân chủ, văn thơ trào phúng mới không bị cấm đoán, vì nó thường chống lại kẻ mạnh, khuyến khích sự tinh anh của dân chúng, an ủi người bất mãn, hạn chế tham vọng địa vị…
Montesquieu ca ngợi một số điều luật của Hy Lạp xưa và Rome xưa: ở Athene, kẻ buộc tội người mà không giành được một phần năm số phiếu tán thành thì bị phạt 1000 đồng. Ở Rome, kẻ buộc tội không chính đáng thì bị phạt biêu riếu bằng cách in lên trán một chữ K, nghĩa là vu khống.
6. Vấn đề thu nhập quốc gia
Ông còn đi sâu vào phân tích hàng loạt vấn đề quan trọng như an ninh, phòng thủ, xây dựng quân đội; thuế, thu nhập quốc gia và thu nhập nhân dân; dân số, hôn nhân, gia đình, thừa kế; quan hệ của pháp luật với điều kiện địa lý, khí hậu, với tính cách dân tộc, với quan hệ thương mại và cuối cùng là cách soạn thảo luật.
Trong một bài nghiên cứu khái quát, không thể trình bày dàn trải hết mọi vấn đề trong tác phẩm. Chỉ xin nhấn mạnh vào một đôi chỗ đáng quan tâm về mặt nhận thức của chúng ta ngày nay.
Quan điểm về tự do trong mức đóng góp với thu nhập công cộng (mức đóng góp của người dân cho nhà nước) (quyển XIII)
“Thu nhập quốc gia là một phần đóng góp của công dân, để đảm bảo an ninh quốc gia, và để hưởng nền an ninh ấy một cách thoải mái”. Muốn xác định thu nhập quốc gia thì phải tính toán các nhu cầu quốc gia và nhu cầu của nhân dân. Không được lấy nhu cầu của dân làm nhu cầu của quốc gia một cách hồ đồ.
Montesquieu từ đầu đã khẳng định: “Phải vận dụng trí thông minh để tính toán và điều chỉnh giữa 2 phần: phần lấy của dân và phần để lại cho dân”
Ông còn giải thích thêm: “Không phải tính toán cái gì dân có thể đóng góp mà cần phải tính toán dân phải đóng góp cái gì”
Từ nhận định chung, nhà luật học còn đưa ra những minh chứng cụ thể ở các quốc gia. Ông viết: Trong các quốc gia chuyên chế thì dân mất tự do, mức đóng góp là rất tuỳ tiện. Trong các quốc gia vừa phải, sức nặng của đóng góp được cân bằng với mức hưởng thụ tự do. Ví dụ ở Thuỵ Sỹ xưa thì người dân không đóng góp gì cả; trong khi đó ở Anh, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ thì vẫn theo quy luật.
7. Bàn về cách soạn thảo luật
Montesquieu có nhiều luận giải xác đáng, có nghĩa hướng dẫn cho người làm luật đời nay. Cụ thể là:
- Tinh thần điều tiết phải là tinh thần của người làm luật”
- “Những quy tắc tư pháp là cần thiết cho tự do. Nhưng nếu số lượng các quy tắc quá nhiều thì có thể sẽ gây mâu thuẫn, nó có thể làm cho quyền sở hữu tài sản thành ra mơ hồ, có thể làm cho người tố cáo không đủ phương tiện để chưngs minh và người bi cáo không đủ phương tiện để thanh minh
- “Một chính phủ càng xa các đảng phái và càng gần với phương sách trung dung thì càng được vững vàng. (…) Ưu thế của nhà giàu đánh đổ chính phủ nhiều hơn ưu thế của người nghèo và của muôn dân”.
- “Phong cách văn luật phải thật ngắn gọn, rõ ràng (…), chớ vòng vo, chớ khoe khoang. Luật không cần phải mềm mỏng, tế nhị. Luật là để đối phó với mọi người, với đủ mọi quan niệm khác nhau; nó không phải là một nghệ thuật logic mà là lý lẽ giản đơn của ông bố trong gia đình” (quyển XXIX).