Thừa kế là việc chuyển giao tài sản của cá nhân đã mất sang một cá nhân còn sống khác. Việc thừa kế cần được thực hiện theo quy định pháp luật.
1. Thừa kế là gì?
Hiện nay, pháp luật không đưa ra định nghĩa thừa kế là gì. Tuy nhiên, dựa vào các quy định liên quan, ta có thể hiểu thừa kế là một chế đinh pháp luật điều chỉnh việc chuyển giao tài sản của người chết cho người khác. Theo đó, pháp luật cũng quy định về phạm vi quyền, nghĩa vụ cũng như phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.
Đối tượng của thừa kế là tài sản, quyền tài sản thuộc quyền của người đã chết để lại. Tài sản có thể là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản.
Cần lưu ý, một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân người để lại di sản không thể chuyển cho những người thừa kế.
Mỗi cá nhân đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình nhằm để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật hoặc hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nếu người thừa kế không là cá nhân thì có quyền hưởng di sản theo di chúc.
2. Phân loại thừa kế
a. Thừa kế theo di chúc
Một trong những loại hình thức thừa kế được pháp luật quy định hiện nay là thừa kế theo di chúc. Theo đó, cá nhân có ý định chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết thì có thể lập di chúc để ghi lại nguyện vọng của mình.
Người lập di chúc phải là người thành niên và có đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi cũng được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc đó.
Nội dung và hình thức của di chúc phải tuân theo quy định pháp luật về thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Lưu ý: Một di chúc chỉ được xem là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
b. Thừa kế theo pháp luật
Nếu như cá nhân không để lại di chúc khi qua đời thì pháp luật cũng bảo đảm quyền thừa kế của cá nhân đó bằng hình thức thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật nghĩa là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế sẽ do pháp luật quy định.
Quy định này sẽ góp phần đảm bảo thắt chặt hơn quyền lợi của những cá nhân không được hưởng phần di sản có trong di chúc của người chết để lại.
3. Người thừa kế là ai?
a. Người thừa kế là ai?
(i) Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc: Người thừa kế là những cá nhân có tên trong di chúc và những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được pháp luật quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể là:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Các đối tượng trên vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
(ii) Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật: Người thừa kế là những cá nhân được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 và người thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015
Lưu ý: Trường hợp thừa kế theo pháp luật thì những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
b. Quyền của người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Từ chối quyền hưởng di sản thừa kế là một trong những quyền của một bên chủ thể trong quan hệ thừa kế hay người có quyền hưởng hưởng di sản thừa kế.
Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản được biết trước thời điểm phân chia di sản.
Lưu ý: Trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác thì không được pháp luật công nhận quyền này.
c. Nghĩa vụ của người thừa kế
Bên cạnh quyền thì người thừa kế phải có nghĩa vụ tương ứng quyền được người chết chuyển giao. Pháp luật quy định người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Pháp luật quy định mỗi người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra đối với trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng bắt buộc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như những người thừa kế là cá nhân.
Để được tư vấn cụ thể, trực tiếp, Quý Anh Chị vui lòng liên hệ:
LEGAL KEYS LAW FIRM
Số điện thoại: 07979.68268 (Luật sư Hiền (Mr.))
Email: info@legalkeys.vn
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự năm 2015.