Viện kiểm sát Liên bang Nga là một cơ quan có vị trí riêng biệt (với các cơ quan hành pháp và tư pháp), được xây dựng theo nguyên tắc “tập trung thống nhất, trên cơ sở các Kiểm sát viên cấp dưới phải phục tùng các Kiểm sát viên cấp trên.
1. Vị trí của Viện kiểm sát Liên bang Nga
Viện kiểm sát Liên bang Nga là một cơ quan có vị trí riêng biệt (với các cơ quan hành pháp và tư pháp), được xây dựng theo nguyên tắc “tập trung thống nhất, trên cơ sở các Kiểm sát viên cấp dưới phải phục tùng các Kiểm sát viên cấp trên và tất cả đều phục tùng Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga” và “hoàn toàn độc lập với các cơ quan, công dân, tổ chức”, theo đó các cơ quan thuộc Viện kiểm sát được “thực hiện các thẩm quyền của mình một cách độc lập với các cơ quan quyền lực của liên bang, của các chủ thể liên bang, của các chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội” (Điều 4 Luật liên bang về Viện kiểm sát liên bang Nga năm 1996 – sau đây gọi tắt là Luật VKS Nga 1996).
Để bảo đảm tính độc lập cho các cơ quan Viện kiểm sát, Luật liên bang quy định không cho phép can thiệp vào việc thực hiện công tác kiểm sát. Tại Điều 5 Luật VKS Nga 1996 nhấn mạnh: việc tác động dưới bất cứ hình thức nào của các cơ quan quyền lực liên bang, của các chủ thể liên bang, của các chính quyền địa phương, của các tổ chức xã hội, và của các phương tiện thông tin đại chúng đến các Kiểm sát viên hay Dự thẩm viên nhằm gây ảnh hưởng đến các quyết định của họ hoặc cản trở hoạt động của họ đều phải chịu trách nhiệm theo luật định.
2. Vai trò của Viện kiểm sát Liên bang Nga
Khi so sánh Viện kiểm sát Liên bang Nga với các mô hình cơ quan công tố khác, người ta thường tìm thấy vai trò kép đặc biệt của nó.
Trước hết, cơ quan này thực hiện những chức năng nói chung giống với chức năng của Viện Công tố Pháp. Nó có nhiệm vụ truy tố kẻ phạm tội trong các vụ án hình sự, giám sát việc chấp hành pháp luật tại những nơi giam giữ, đứng đơn khởi kiện hoặc kết luận trong một số vụ việc dân sự và kháng kiện đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án về những vụ việc mà Kiểm sát viên tham gia.
Thứ hai, đó là chức năng kiểm sát chung. Theo quy định tại Điều 1 Luật VKS Nga 1996, Viện kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống các cơ quan được xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất, nhân danh Liên bang Nga thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với tất cả các đạo luật đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga. Ngoài ra, Viện kiểm sát Liên bang Nga còn thực hiện một số chức năng khác do các đạo luật khác của Liên bang quy định, như: truy tố hình sự (bao gồm cả điều tra sơ bộ và duy trì quyền công tố tại phiên tòa), tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, kháng nghị đối với các bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp hoạt động với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong công cuộc đấu tranh tội phạm, tham gia vào hoạt động xây dựng luật pháp…
Về chức năng kiểm sát chung, có mấy điểm cần lưu ý sau đây: một là, thuật ngữ “kiểm sát chung” vẫn được giữ lại, nhưng so với trước đây phạm vi kiểm sát thu hẹp hơn nhiều, cụ thể là: Viện kiểm sát không thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với Chính phủ Liên bang Nga, các tổ chức xã hội, đảng phái chính trị, công dân cũng như không thực hiện kiểm sát việc chấp hành pháp luật của Tòa án (không kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án) và những người tham gia tố tụng trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự; hai là, công tác kiểm sát chung không mang tính thường xuyên, nó chỉ được thực hiện khi có tin báo, tố giác về sự kiện vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền, tự do của con người và công dân, lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội.
3. Tổng quan về hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga
Hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga được tổ chức theo đơn bị hành chính, bao gồm: Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương, Viện kiểm sát các thành phố, quận, huyện và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng, các Viện kiểm sát chuyên trách (như: Viện kiểm sát trong lĩnh vực giao thông, Viện kiểm sát bảo vệ môi trường…), các Viện nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo cán bộ kiểm sát, hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương bao gồm: Viện kiểm sát các nước cộng hoà, Viện kiểm sát các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), Viện kiểm sát các vùng tự trị, các khu vực tự trị, Viện kiểm sát quân sự (hạm đội) và các Viện kiểm sát chuyên trách. Số lượng các chủ thể thuộc Liên bang Nga do Hiến pháp Liên bang Nga quy định (tại Điều 65). Có bao nhiêu chủ thể thì có bấy nhiêu Viện kiểm sát các chủ thể. Hiện có tổng cộng 89 Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga.
Trong hệ thống Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương có các Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện trực thuộc các chủ thể và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng. Theo số liệu thống kê năm 1996 thì tổng cộng có 2609 Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng.
4. Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga:
Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga lãnh đạo (Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga). Giúp việc cho Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga có một Phó Tổng kiểm sát trưởng thứ nhất và một số Phó Tổng kiểm sát trưởng (các chức danh này do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga).
Trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga thành lập Ủy ban kiểm sát. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga là cơ quan tư vấn. Thành phần của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga gồm có Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga (Chủ tịch) và Phó Tổng kiểm sát trưởng thứ nhất, các Phó Tổng kiểm sát trưởng khác và các Kiểm sát viên (các cán bộ kiểm sát khác) do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm.
Trong cơ cấu Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga gồm có: các tổng cục, các cục, các vụ, viện và các phòng, ban (tương đương với Tổng cục, Cục, Vụ, Viện hoặc nằm trong các tổ chức này). Các Tổng cục trưởng, các Cục trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng là các Trợ lý trưởng của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga; các Phó Tổng cục trưởng, các Phó Cục trưởng và các Phó Vụ trưởng, Phó Viện trưởng là các trợ lý của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga.
Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga còn có các cố vấn và các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt. Các cố vấn và các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt cũng có cấp phó của mình.
Trong các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện có các chức danh pháp lý là: các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng (chịu trách nhiệm phụ trách công tác điều tra của các Dự thẩm viên về các lĩnh vực chiến lược điều tra, kỹ thuật điều tra…), các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các Dự thẩm viên đảm nhiệm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các trợ lý của họ.
Các Tổng cục trưởng, các Cục trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng và các cấp phó của họ, các cố vấn và các trợ lý của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga về các nhiệm vụ đặc biệt và các cấp phó của họ, các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng (chịu trách nhiệm phụ trách công tác điều tra của các Dự thẩm viên về các lĩnh vực chiến lược điều tra, kỹ thuật điều tra…), các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng cũng như các Dự thẩm viên đảm nhiệm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các trợ lý của họ đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi miễn chức vụ.
Trong bộ máy Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga có Viện kiểm sát quân sự Trung ương được coi như một bộ phận cấu thành trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, do một Phó Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga lãnh đạo – Phó Tổng kiểm sát trưởng này đồng thời được gọi là Tổng kiểm sát trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga còn có Hội đồng tư vấn – khoa học để xem xét về các vấn đề cần giải quyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga. Quy chế về Hội đồng tư vấn – khoa học do chính Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga phê chuẩn.
5. Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương:
Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương (Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát chuyên trách) do Kiểm sát viên (ở ta gọi là Viện trưởng Viện kiểm sát) các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương lãnh đạo. Các Kiểm sát viên này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga trực tiếp bổ nhiệm và bãi nhiệm (trước kia, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật VKS Nga 1996, Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga chỉ có thể bổ nhiệm Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương sau khi đã thống nhất với các cơ quan quyền lực của các chủ thể thuộc Liên bang Nga. Nhưng nay quy định này đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật VKS Nga 1996 bãi bỏ). Giúp việc cho Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương (sau đây gọi tắt là Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga) có một cấp phó thứ nhất và một số cấp phó khác (ở ta gọi là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát). Các chức danh này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm.
Ngoài ra, Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga cũng có thể có các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt. Các trợ lý này do Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm.
Tương tự như cơ cấu Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, trong cơ cấu của Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương có Ủy ban kiểm sát (thành phần của Ủy ban kiểm sát gồm có Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga (Chủ tịch), các cấp phó của họ và các Kiểm sát viên (các cán bộ kiểm sát khác) do họ bổ nhiệm), các Cục, Vụ, Viện và các phòng, ban (tương đương với Cục, Vụ, Viện hoặc nằm trong các tổ chức này). Các Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng là các Trợ lý trưởng của Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga; các Phó Cục trưởng và các Phó Vụ trưởng, Phó Viện trưởng là các Trợ lý của Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga. Trong các Cục, Vụ, Viện có các chức danh pháp lý là: các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng, các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các Dự thẩm viên trưởng và các trợ lý của họ. Các chức danh này đều do Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm.
6. Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương:
Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương do Kiểm sát viên (ở ta gọi là Viện trưởng Viện kiểm sát) thành phố, quận, huyện và cấp tương đương lãnh đạo. Các Kiểm sát viên này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm. Giúp việc cho Kiểm sát viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có một cấp phó thứ nhất và các cấp phó khác (ở ta gọi là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát). Các cấp phó này do Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương bổ nhiệm và bãi nhiệm.
Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có các Trợ lý trưởng và các Trợ lý của Kiểm sát viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng, các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng, các Dự thẩm viên (ở các Viện kiểm sát thành phố còn có các Dự thẩm viên phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng) và các trợ lý của họ. Các chức danh này đều do Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương bổ nhiệm và bãi nhiệm.
Ngoài ra, theo quyết định của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga, trong cơ cấu của Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có thể có các phòng, ban.
7. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên:
Các Kiểm sát viên và Dự thẩm viên phải là công dân Liên bang Nga, có trình độ đại học pháp lý, có những phẩm chất nghề nghiệp và đạo đức cần thiết, có đủ sức khỏe để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Khi bổ nhiệm, luật còn quy định một thời gian thử thách, thời gian này có thể kéo dài tới 6 tháng.
Đối với chức vụ trợ lý Kiểm sát viên và trợ lý Dự thẩm viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương, trong những trường hợp đặc biệt có thể bổ nhiệm cả những người đang còn học tại các khoa luật của các trường đại học.
Chức danh Kiểm sát viên (Viện trưởng Viện kiểm sát) thành phố, quận, huyện và cấp tương đương chỉ được phong cho người không dưới 25 tuổi và đã từng là Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên ở các cơ quan kiểm sát không ít hơn 3 năm.
Chức danh Kiểm sát viên (Viện trưởng Viện kiểm sát) các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương chỉ được phong cho người không dưới 30 tuổi và đã từng là Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên ở các cơ quan kiểm sát không ít hơn 5 năm.
8. Về chế độ và những bảo đảm cho hoạt động của cán bộ Kiểm sát
Các Kiểm sát viên, Dự thẩm viên của Viện kiểm sát các cấp, các cán bộ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại các trường đào tạo và các Viện khoa học thuộc hệ thống cơ quan Viện kiểm sát Liên bang Nga đều được phong các ngạch, bậc tùy theo chức trách mà họ đang đảm nhiệm và số năm công tác trong ngành. Cán bộ ngành Kiểm sát được hưởng lương theo chức vụ mà họ đảm nhiệm, trợ cấp về ngạch, trợ cấp về thâm niên, trợ cấp cho những điều kiện làm việc đặc biệt, phụ cấp phần trăm (%) đối với cán bộ có chức danh khoa học, tiền thưởng hàng quý, hàng năm và một số khoản tiền bồi dưỡng khác, được cấp trang phục của ngành và nhìn chung họ được bảo đảm về mặt vật chất và xã hội.
Đối với các Kiểm sát viên và Dự thẩm viên, do họ là những người đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước nên bản thân họ cũng như những người có quan hệ thân tộc gần gũi với họ được sự bảo vệ đặc biệt của Nhà nước theo quy định của Luật Liên bang “Về chế độ bảo vệ của Nhà nước đối với các Thẩm phán, những người có chức vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan kiểm tra”, họ được trang bị và sử dụng súng và một số trang thiết bị đặc biệt khác theo quy định của Luật Liên bang; Việc khởi tố hình sự và điều tra vụ án hình sự đối với họ (chỉ trừ những trường hợp khi Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên bị bắt khi đang gây án) là thẩm quyền độc nhất của các cơ quan Viện kiểm sát. Không cho phép tạm giữ, dẫn giải hay khám người Kiểm sát viên và Dự thẩm viên, khám đồ đạc và phương tiện giao thông của họ, trừ trường hợp bắt giữ họ trong lúc họ đang gây án và những trường hợp khác do luật liên bang quy định.
Bài viết tham khảo: VỀ VIỆN KIỂM SÁT LIÊN BANG NGA; TS. Nguyễn Ngọc Khánh; Viện khoa học kiểm sát – VKSNDTC